Q1: Dân tộc học – Chương 1.2

Dịch: Neko

Không biết từ bao giờ mà ở vị trí bục giảng đã có một người đàn ông đứng đó.

Người này cầm theo micro, chắc là vị phó giáo sư đảm nhiệm bộ môn này rồi. Chỉ là, nhìn người này có hơi trẻ. Bộ vest cao cấp bao bọc thân hình cao gầy đó.

“Ủa” – Người đàn ông đó thầm nói khẽ, rồi nhìn xuống chiếc micro.

– À, xin lỗi mọi người. Thầy quên nhấn nút.

Giọng nói của người đó vang lên thông qua micro vang lên. Tiếng ồn ào trong giảng đường được thay bằng tiếng cười vang. Như hai nữ sinh ngồi sau lưng Naoya cũng khúc khích cười thầm.

– Trời ơi, gì thế này. Thầy dễ thương thật.

– Hơn nữa là cực kỳ đẹp trai luôn. Mình nhất định sẽ đăng ký học môn này!

Nữ sinh trong lớp cứ thì thầm trao đổi với nhau những câu đại loại như thế.

Ở một mức độ nào đó thì thầy đúng là đẹp trai thật. Mắt to, hai mí, sóng mũi cao. Lúc nào cũng treo trên đôi môi hơi nhạt màu nụ cười. Cùng với ngoại hình đẹp đẽ là một gương mặt mang vẻ hiền lành, rất phù hợp với câu nói thường được thấy trong tiểu thuyết “Gương mặt ngọt ngào”. Mái tóc màu nâu nâu, là tóc nhuộm hay là tự nhiên thì cậu cũng không rõ.

– Lần nữa, chào các bạn sinh viên, thầy là Takatsuki – Giáo viên bộ môn Dân tộc học II. Xin chúc mừng các bạn tân sinh. Còn các bạn sinh viên năm hai, năm ba, năm nay cũng mong được giúp đỡ nhiều.

Khi nói những lời đó, Takatsuki Akira nhìn khắp giảng đường rồi cúi người nhẹ.

Một giọng nói trong trẻo đến mức kỳ lạ. Tông giọng đó có hơi cao tí so với một người đàn ông, nhưng vẫn cảm giác được sự mềm mại cho dù là thông qua micro. Nếu nói đẹp trai thì không chỉ là về ngoại hình, mà còn cả giọng nói nữa. Trên đời lại có người được cả hai thứ như vậy.

Nhưng mà…… Tại sao lại như vậy?

Khi nghe giọng nói đó, cậu lại cảm thấy thoải mái, dễ thở hơn.

– Mà, thầy Takatsuki, thầy thật sự ba mươi bốn tuổi à!

– Hả, giỡn phải không, nhìn thầy chỉ cỡ hai mươi mấy! Mà còn, thầy còn trẻ vậy mà đã là phó giáo sư, lại đẹp trai! Thầy còn độc thân hở? Đúng không ạ? Sao không thấy chỗ nào ghi về vấn đề này hết vậy.

Mấy cô nữ sinh ngồi phía sau nhanh chóng lấy điện thoại ra tra thử thông tin về Takatsuki.

– A, nhìn này. Quả nhiên là thầy Takatsuki mà. Lúc trước thầy có xuất hiện trên tivi đấy. Trong chương trình đặc biệt trên tivi “Chuyện gì đây – Vị phó giáo sư đẹp trai” – Chuyên diễn giải những chuyện kỳ quái. Trên Twitter có nhiều người hâm mộ á.

– Aa, hình như mình có xem qua chương trình đó thì phải.

“Ra là vậy” – Nghe cuộc nói chuyện phía sau, cậu nghĩ. Khi nãy, cậu bạn tóc nâu có nói là người nổi tiếng thì ra là chuyện này.

– Tiếp theo, em nào có thể trả lời giúp thầy “Dân tộc học” là môn học về gì không? À, bạn nữ ngồi đó, vừa hay em đang cầm di động. Em tra giúp thầy ý nghĩa của “Dân tộc học” được không nào?

Takatsuki chỉ về phía nữ sinh ngồi phía sau Naoya nói. Cả hai người đang cầm di động vừa rì rầm nói chuyện với nhau, tròn xoe mắt nhìn về phía bục giảng.

– A, à…… Thầy đợi em một chút……… Đây là môn học thông qua những khảo sát, tìm hiểu về truyền thuyết dân gian, nghiên cứu chủ yếu về lịch sử phát triển của văn hoá – Cuộc sống hằng ngày của người dân….?

Dù có hơi hồi hộp vì bị điểm mặt bất chợt nhưng nữ sinh tóc dài vẫn đọc hết phần giải thích nghĩa của “Dân tộc học” sau khi tra trên mạng.

Takatsuki cười nhẹ.

– Là diễn giải trên từ điển điện tử Daijisen nhỉ, cám ơn em. Nhưng mà, diễn giải trên từ điển có hơi khô khan, khó hiểu. Mà nói là “Thông qua những khảo sát, tìm hiểu về truyền thuyết dân gian” cũng không đúng lắm. Truyền thuyết dân gian có nghĩa là những phong tục, truyền thuyết, truyện cổ, tục ngữ, ca từ hay những điệu nhảy múa được truyền nhau từ thời xa xưa. Tại sao lại tồn tại phong tục, chắc mọi người cũng không để ý lắm, nhưng mà đó là việc đã có từ xa xưa cho tới bây giờ. Như việc ném đậu vào ngày Setsubun(2), hay tập tục ăn sushi Ehoumaki(3). Những câu chuyện xưa được truyền thừa từ đời cha đến đời con, cứ lặp đi lặp lại như vậy. Đối với những nhà nghiên cứu Dân tộc học, chúng tôi nghiên cứu những lý do tại sao nó lại xuất hiện và những thay đổi của phong tục tập quán đó theo năm tháng. Bối cảnh phía sau một điển tích, lý do tại sao lại có lễ hội đó. Đây là môn học thông qua những việc nghiên cứu đó, chúng ta sẽ biết thêm về đời sống tinh thần của con người. Đó chính là Dân tộc học. Người nghiên cứu điển tích Yanagita Kunio(4) hay những bài luận về những vị khách ghé thăm của Orikuchi Shinobu(5) khá là nổi tiếng, nên chắc có lẽ đã có bạn nào nghe hay đọc qua rồi nhỉ.

Những cuộc nói chuyện riêng giảm dần lại.

Trong giảng đường yên lặng, chỉ vang vọng mỗi giọng nói của Takatsuki.

– Trong số các em ngồi đây, chắc có lẽ có em đã biết về thầy rồi. “Trước đây có xuất hiện trên chương trình tivi, hay nói về yêu quái hay mấy thứ đại loại vậy”. Vâng, quả thật là trước đây thầy đã từng làm công việc đó. Thêm vào đó, hiện tại, công trình nghiên cứu của thầy chủ yếu về những chuyện quái dị không thể giải thích được. Những chuyện đáng sợ, rùng rợn, kỳ bí, yêu quái hay linh hồn…… Trong những thứ đó, thứ mà thầy có hứng thú là những chuyện quái dị hay những truyền thuyết đô thị trong thời hiện đại. Ví dụ như “Hanako san trong nhà vệ sinh(6)”, hay hơi cũ một chút là “Khẩu liệt nữ(7)”. Thầy nghiên cứu, tìm hiểu về bối cảnh hay chuyện đã xảy ra phía sau ở mỗi câu chuyện.

Nói ra thì, những việc như vậy cũng có thể xem như một ngành học à. Cái người đẹp trai này thật sự nghiên cứu về những thứ đó à?

Tuy nhiên, không thể nào khác đi được, những sinh viên ngồi trong giảng đường đều bắt đầu cảm thấy hứng thú đối với những gì mà người đàn ông tên Takatsuki này đang nói nãy giờ. Hoàn toàn không một ai lướt di động hay nói chuyện riêng nữa.

Naoya cũng vậy. Mặc dù cậu không có hứng thú đặc biệt gì với những truyền thuyết đô thị, chỉ là những thứ mà Takatsuki nói nãy giờ có lẽ rất thú vị.

Hơn cả thế, so với những gì Takatsuki nói thì bản thân thầy ấy đã thú vị hơn bất cứ ai rồi, ánh mắt sáng lấp la lấp lánh như một đứa trẻ.

Từ khai giảng đến giờ cậu đã tham dự một vài buổi học. Dù là giáo sư hay giảng viên thỉnh giảng thì mỗi người đều có cách dạy của riêng mình. Có những giáo sư không hề nhìn lấy sinh viên của mình một lần, mà chỉ đọc lào lào những gì được bản thân viết ra trong sách giáo khoa. Cũng có vị phó giáo sư luôn sử dụng từ ngữ chuyên môn, không quan tâm sinh viên nghe có hiểu hay không. Còn có những giảng viên lơ luôn sinh viên đang ngồi lướt di động hay ngủ trong lớp, cứ giảng xuyên suốt buổi học. Nếu so với những buổi học đó thì bữa nay rất là tuyệt vời.

– Thêm nữa, thầy có việc này hy vọng mọi người có thể hỗ trợ. Thứ nhất là hỗ trợ việc nghiên cứu của thầy.

Takatsuki vừa nói, vừa nhìn quanh giảng đường.

– Thầy có một website là “Câu chuyện bên lề”. Trên trang chủ của Đại học Seiwa, trong mục của chuyên ngành Dân tộc học có đăng đường dẫn, mọi người có thể xem thử. Thầy có phân loại và đăng những truyền thuyết đô thị mà thầy nghe được từ trước tới nay trên trang web đó, và mọi người cũng có thể đăng bài được. Ví dụ như “Tôi từng nghe chuyện như thế này, hay tôi đã từng trải qua câu chuyện kỳ lạ như thế này, hay ở trường tôi có bảy câu chuyện kỳ quái như thế này…”, thầy hy vọng mọi người cũng có thể chia sẻ những câu chuyện đại loại vậy……. À, nhưng mà, những thứ bản thân tự chế hay nói dối thì không cần. Những việc như thế có khi lại khởi nguồn cho những truyền thuyết đô thị mới, mặc dù thầy rất có hứng thú với những chuyện như vậy nhưng nó sẽ làm ảnh hưởng tới việc nghiên cứu, phân tích. Ừ thì, việc đó là như thế nào à.

Lúc này, Takatsuki cầm phấn lên quay về phía bảng đen.

Trên bảng không phải là chữ viết như mọi người nghĩ, mà là một con gì đó như một con rắn mập….. Có lẽ thế, chắc là rắn. Không có chân, lông thưa, trong cái miệng đang mở kia có vẻ là lưỡi chẻ đường ziczac.

– Đây là Tsuchinoko(8).

Takatsuki chỉ vào cái vừa được vẽ trên bảng và nói.

Trong giảng đường vang lên tiếng cười. Có vẻ ông trời không cho người đàn ông này tài năng hội hoạ rồi.

– Những thứ liên quan tới Tsuchinoko bài giảng lần sau thầy sẽ nói tới, nên hôm nay mọi người không cần lấy sách vở gì ra cả. Có lẽ người biết về Tsuchinoko cũng nhiều, vào khoảng những năm 1970, đây là một quả bom về UMA(9). Cơ thể dài từ khoảng 30 đến 80 cm, đầu hình tam giác, phần chính giữa thân phồng to và ngắn, đuôi mảnh. Thực tế thì ghi chép về Tsuchinoko đã có khá lâu rồi, trong những bản ghi chép ký sự cổ hay những bản ghi chép cũ có xuất hiện một vị thần cây cỏ là “Noduchi”, trong cuốn “Wakan sansai zue”(10) được biên soạn thời Edo cũng có ghi lại một loài rắn được nghi là Tsuchinoko với cái tên khác là “Notsuchi hebi”. Những người nhìn thấy nó trải dài xuyên suốt từ Touhoku cho tới Kyuushuu, cho tới hiện tại còn có thưởng 300 triệu yên cho người tìm thấy, chỉ tiếc là cho tới nay vẫn chưa ai biết chính xác nó là gì.

Kế bên hình vẽ Tsuchinoko, Takatsuki ghi thêm “Ký sự cổ – Noduchi (vị thần cây cỏ)” “Wakan sansai zue Notsuchi hebi”. So với hình vẽ xấu tệ kia thì chữ viết của thầy rất đẹp.

– Chính vì vậy, giả dụ có người đăng lên trên trang website và ghi rằng “Tôi đã nhìn thấy Tsuchinoko ở Yokohama!”.

Takatsuki gập ngón tay gõ gõ lên hình vẽ Tsuchinoko trên bảng.

– Nếu có việc như vậy, thầy hẳn sẽ rất vui mừng.

Trong giảng đường lại vang lên tiếng cười.

– Kế tiếp, nhất định thầy sẽ điều tra thêm về việc đó. Thầy sẽ đi gặp người đã thông báo, và nhờ họ dẫn đường đến địa điểm họ phát hiện ra. Rồi sẽ lại tiếp tục tìm kiếm Tsuchinoko ở chỗ đó.

Trong giảng đường đầy tiếng cười. Đến Naoya cũng muốn phì cười. Cậu tưởng tượng đến hình ảnh Takatsuki đầy hào hứng đang mặc áo vest, ống quần tây được xắn lên, tay cầm cây vợt bắt côn trùng rẻ đám cỏ tìm kiếm.

– Còn nữa, thầy sẽ đi xung quanh hỏi thăm những người dân ở khu vực đó xem có ai đã nhìn thấy Tsuchinoko không. Bởi vì những khu vực xung quanh sông Tama kéo dài đến Tsuchiura ở Kantou đã có người nhìn thấy, còn ở Yokohama thì thầy hoàn toàn chưa bao giờ nghe thấy. Thầy chắn chắn sẽ rất là chú tâm tìm kiếm Tsuchinoko….. Nhưng mà sau đó, nếu như thầy phát hiện câu chuyện về Tsuchinoko chỉ là một lời nói dối.

Tới đó, Takatsuki đánh một dấu X lên phía trên Tsuchinoko.

– Chắn chắn, thầy sẽ cảm thấy mất thời gian và rất chán chường. Bản thân không chỉ đã cố gắng hết sức tìm kiếm, mà còn gây ra nhiều hệ luỵ khác nữa. Chỉ bởi vì….. Việc làm của thầy mà có thể nơi đó sẽ sinh ra những truyền thuyết sai lệch.

Takatsuki rầu rĩ buông thỏng hai vai, nét mặt buồn bả nhìn hình vẽ Tsuchinoko.

– Bởi vì thầy đi hỏi khắp nơi, nên có thể trong số những người dân sống ở khu vực đó sẽ nghĩ rằng “Ở đây có lẽ có Tsuchinoko”, “Có giảng viên trường đại học đến tìm, chắc chắn là có rồi”. Hay nó sẽ khắc sâu vô tâm trí người ở đó, rồi sẽ có người nhìn nhầm thứ gì đó thành Tsuchinoko, và lan truyền ra khắp nơi, “Không thể nhầm được, là Tsuchinoko!”. Nếu mọi việc mà thành như vậy thì sẽ trở nên phiền toái. Chỉ bởi vì thầy đến, mà nơi đó lại sinh ra truyền thuyết về Tsuchinoko mặc dù ở đó không hề có Tsuchinoko, không một căn cứ, không một bối cảnh văn hoá nào. Những thợ săn Tsuchinoko hay những nhà nghiên cứu về Tsuchinoko cũng sẽ vì việc làm của thầy mà làm ảnh hưởng đến công việc của họ.

Chuyện đó, quả thật là sẽ thành như vậy. Vì rõ ràng là nơi không hề có Tsuchinoko, mà lại xuất hiện tin đồn đáng tin cậy như vậy….. Còn trên thực tế thì có cái nghề gọi lại thợ săn Tsuchinoko hay không thì cậu tạm thời bỏ qua.

– Vì lý do như thế, những ai có ý định đăng những câu chuyện tự chế trên “Câu chuyện bên lề” thì thầy mong là mọi người hãy bỏ suy nghĩ đó. Với cả, những câu chuyện đã đọc được trên mạng cũng không cần thiết. Thầy hy vọng mọi người có thể đăng những việc mà bản thân nghe được từ ai đó hay tự mình trải nghiệm. Đây là…. mong muốn thứ nhất của thầy. Mong mọi người góp sức.

Takatsuki vừa cúi đầu vừa nói lời cảm ơn.

Cứ để mặc hình vẽ Tsuchinoko xấu tệ đó, thầy ấy lại hướng về phía lớp học.

– Mong muốn thứ hai có liên quan đến tiến độ của bài giảng. Trong bài giảng của thầy, về cơ bản, hai buổi sẽ là một set. Buổi thứ nhất của một bài sẽ là “Giới thiệu”. Thầy sẽ giới thiệu cho các em những câu chuyện ví dụ có liên quan tới chủ đề trong buổi đó. Và buổi thứ hai sẽ là “Diễn giải”. Ở đây, thầy sẽ giải thích cụ thể về nguồn gốc, bối cảnh văn hoá liên quan đến chủ đề được giới thiệu trong buổi thứ nhất. Vì vậy, những ai chưa nghe giới thiệu mà chỉ nghe diễn giải thôi cũng không thể hiểu được. Nếu phải nghe những gì mình không hiểu trong suốt 90 phút thì hơi mệt nhỉ? Chính vì thế, những em nào không thể nghe giảng “Giới thiệu” thì buổi học “Diễn giải” cũng không cần tham gia. Thầy không cấm các em tham gia, chỉ là thầy thấy có tham gia cũng không có ý nghĩa gì cho lắm. Cho nên, mong muốn thứ hai của thầy là “Tham dự đầy đủ các buổi của bài giảng trong khả năng có thể.”

Những lời này của Takatsuki làm cả giảng đường ồn ào lên. Sự nghiêm khắc này, Naoya thấy thật sự ngoài dự đoán. Mà không, chẳng phải những môn học mình đã đăng ký thì đều phải tham gia đầy đủ mỗi buổi sao.

Takatsuki cười cười.

– Nói thì nói vậy, mọi người đều là sinh viên. Có lẽ đây là thời điểm trong đời mà mọi người muốn vui chơi nhiều nhất. Mọi người cũng sẽ rất bận rộn với nhiều việc như đi làm thêm, tham gia câu lạc bộ hay hẹn hò yêu đương gì đó. Tất nhiên, cũng sẽ có những khi không khoẻ hay ngày giỗ kỵ chẳng hạn. Cho nên, với những em có việc không thể nghe giảng “Giới thiệu”, sẽ có tiết học bù. Trên nguyên tắc thầy sẽ tổ chức vào tiết năm chiều thứ sáu, nếu hôm đó cũng không thể tham gia được thì có thể đến phòng nghiên cứu của thầy. Thầy sẽ đưa tài liệu “Giới thiệu”. Đương nhiên là những em nào chỉ có thể nghe “Giới thiệu” mà không thể nghe “Diễn giải” cũng sẽ như thế.

Trong giảng đường vẫn vang tiếng rầm rì. Đa phần là nữ sinh. Họ phấn khích hỏi đủ thứ không đúng với chủ đề như “Tụi em có thể đến phòng nghiên cứu của thầy thật ạ?” “ A… Có khi nào có chỉ đạo cá nhân luôn không…?”

– Được rồi, phần giới thiệu và những điều cần lưu ý của môn học đã xong. Thời gian còn lại, chúng ta sẽ bắt đầu bài giảng như bình thường. Vì là buổi đầu tiên, nên thầy nghĩ chính thống sẽ tốt hơn, nên hôm nay chúng ta sẽ nói về “Xe taxi quái dị”. Đây là câu chuyện mà chắc hẳn mọi người ai cũng biết, hành khách ngồi trên xe biến mất, còn ghế sau lại bị ướt. Hôm nay chúng ta sẽ học “Giới thiệu”, tuần sau sẽ là “Diễn giải”. Nếu có em nào không thích chủ đề ngày hôm nay thì tuần sau có thể bỏ qua “Diễn giải”. Thầy sẽ phát tài liệu, các em hãy chuyền cho người phía sau.

Nói đến đây, Takatsuki đưa xấp tài liệu cho người ngồi hàng trên cùng sát bục giảng.

Do phía trước Naoya không có ai ngồi cả, Takatsuki bước lên một bậc đưa trực tiếp cho cậu.

Tài liệu là tổng hợp những câu chuyện được đăng trên tạp chí quái dị, tập san tuần, đến cả tạp chí thể thao cũng có. Những chỗ ghi địa danh, niên đại đều được đánh dấu.

Khi Naoya đưa tài liệu cho hai cô gái ngồi phía sau, hai người chỉ liếc nhìn một cái rồi quay mặt nhìn nhau suýt cười phì. Vẻ mặt phân nửa là “Thực sự sẽ giảng những cái này?”, còn lại thì “nhưng có vẻ vui đây”. Có lẽ vẻ mặt của Naoya cũng như vậy.

Đây là lần đầu tiên cậu nghĩ đại học lại có thể thú vị đến vậy.

Và còn hơn thế — Cái người tên Takatsuki này cũng thật thú vị.

Chú thích:

(2) Setsubun (節分 – Ngày Tiết Phân): Là lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày 3/2 ở Nhật. Vào ngày đó người Nhật thường có tập tục ném hạt đậu để thanh tẩy vận xui.

(3) Sushi Ehoumaki ↓

(4) Yanagita Kunio: một tác giả, học giả và nhà văn học dân gian Nhật Bản

(5) Orikuchi Shinobu: Là một nhà nghiên cứu dân tộc học, ngôn ngữ học, nhà văn học dân gian, tiểu thuyết gia và nhà thơ Nhật Bản. Là học trò của Yanagita Kunio.

(6) Hanako trong nhà vệ sinh ↓

(7) Khẩu liệt nữ ↓

(8) Tsuchinoko ↓

(9) UMA: Đây là cách gọi của riêng Nhật về những động vật không xác định, có thông tin của chúng (nhìn, nghe thấy…) nhưng trên thực tế không ai xác nhận được chúng có tồn tại hay không.

(10) 和漢三才図会 – Wakan sansai zue: Đây là 1 bộ bách khoa từ điển được xuất bản 1712 – thời Edo, từ thiên văn, nhân loại cho tới cây cỏ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*